Là thiên đường ẩm thực, Sài Gòn có đến hàng nghìn quán ăn phục vụ đủ mọi món ăn ba miền và cả những nền ẩm thực hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, cơm tấm Sài Gòn lại mang một hương vị đặc trưng và “chiều lòng” bất cứ du khách nào.
Đến Sài Gòn mà chưa ăn cơm tấm thì cũng coi như chưa đến, giống như bạn đến đây mà chưa đi Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, bến Nhà Rồng, hay chợ Bến Thành vậy. Cơm tấm có nguyên liệu chủ yếu từ hạt tấm. Ban đầu, cơm tấm là một món ăn phổ biến của những người nông dân, công nhân tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vào các năm mùa màng đói kém, nhiều người thường không có đủ gạo ngon để bán, vì vậy họ đã dùng gạo tấm (gạo bể) để nấu ăn vì nó luôn có sẵn trong nhà cũng như có tác dụng giúp no lâu.
Từ khi Việt Nam đô thị hóa vào nửa đầu thế kỷ 20, cơm tấm đã trở nên phổ biến ở hầu khắp các tỉnh Nam Bộ, trong đó có Sài Gòn. Sau khi Sài Gòn trở thành một điểm du lịch với những du khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều người bán hàng đã có vài điều chỉnh thành phần của cơm tấm để phù hợp hơn với khẩu vị của thực khách nước ngoài. Ngoài ra, phần ăn sau đó cũng đã bắt đầu được phục vụ với dĩa và sử dụng muỗng, nĩa thay vì trong chén ăn với đũa.
Dù cơm tấm có thể có nhiều cách chế biến, gia giảm khác nhau, tuy nhiên một dĩa cơm tấm truyền thống thường có các thành phần nguyên liệu như sau:
- Gạo tấm – Là thành phần chính của món ăn, gạo tấm là những mảnh vụn của gạo bị bể trên đồng lúa khi phơi khô, khi vận chuyển hoặc khi xay sàng gạo hạt gạo tấm, tức hạt gạo bị bể. Gạo này xưa thường được coi là loại gạo thứ phẩm, rớt vãi sau khi sàng, thường dùng cho gà ăn hoặc cho người ăn lúc quá túng thiếu.
- Nước mắm – Nước mắm của cơm tấm thường được chế biến bằng cách pha nước mắm với nước lọc và thêm đường. Tùy theo cách chế biến và khẩu vị của người ăn, nước mắm có thể ngọt nhiều hoặc ngọt ít (mặn) hoặc chua.
- Mỡ hành – Là một hỗn hợp lỏng được làm từ hành lá, phi dầu hoặc mỡ, đôi khi còn được trộn với tóp mỡ thắng. Tùy theo khẩu vị mà thành phần có thể được thêm hoặc không được thêm.
Các món mặn ăn kèm theo của cơm tấm thường là:
- Sườn – Chủ yếu là sườn heo được tẩm ướp gia vị chua ngọt và sau đó đem nướng.
- Chả – Hay còn gọi là Chả trứng, được làm từ trứng, thịt băm, nấm mèo và miến xay nhuyễn. Chả trứng được chưng sẵn thành một cái bánh hình tròn hoặc hình chữ nhật, khi phục vụ sẽ xắt thành từng miếng nhỏ.
- Trứng – Thường là trứng ốp la.
- Bì – Là hỗn hợp nhiều thứ gồm thịt heo cắt sợi, da heo cắt sợi trộn với thính và gia vị.
- Đồ chua – Thường được làm từ cà chua, cà rốt, củ cải, dưa leo, dưa muối và cũng có thể là đu đủ.
CÁCH LÀM CƠM TẤM SÀI GÒN TẠI NHÀ
Cách làm cơm tấm sườn bì chả
Cơm tấm là một món ăn đặc sản của Sài Gòn, qua mùa giãn cách này có lẽ bạn đã rất nhớ hương vị thơm ngon đậm đà trong từng miếng sườn nướng nóng hổi.
Để nấu cơm tấm sườn bì chả, bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu cần thiết như sườn cốt lết, gạo tấm, bì heo, trứng gà, thịt nạc heo xay, miến, nấm mèo, hành tím, tỏi, sả, ớt,… cùng những gia vị quan trọng như mật ong, nước mắm, dầu hào, đường, muối, giấm,…
Cách thực hiện món ăn cũng không quá phức tạp, đầu tiên bạn nấu cơm tấm bằng nồi cơm điện như bình thường, sau đó đập thịt cho mỏng và mềm rồi ướp với sả, mật ong, dầu hào, bột ngọt, hạt nêm, nước mắm, tiêu xay, hành tím và tỏi băm rồi đem đi nướng cho chín vàng đều. Để làm chả trứng hấp, bạn hãy trộn đều thịt nạc heo xay, miến và nấm mèo xắt nhỏ với trứng gà và nêm nếm với đường, muối, nước mắm rồi đem đi hấp cách thủy cho trứng chín. Còn bì heo thì bạn luộc nhanh, cắt mỏng rồi trộn với bột thính là xong. Cùng thưởng thức cơm tấm sườn cốt lết nướng mặn mặn ngọt ngọt nóng hổi cùng chả trứng hấp mềm béo, ăn kèm với cà chua, dưa leo và đồ chua cùng nước mắm được pha đậm đà cực kỳ hấp dẫn.
Cách làm cơm tấm sườn trứng
Bên cạnh cơm tấm sườn bì chả, cơm tấm sườn trứng cũng là một món ăn nổi tiếng không kém, bạn sẽ phải ngất ngây ngay từ lần thử đầu tiên với món ăn này bởi hương vị đậm đà của sườn nướng cùng cái béo béo của trứng gà đấy.
Bạn cần chuẩn bị sườn cốt lết, mỡ heo, thịt bằm, trứng gà, gạo tấm cùng các loại gia vị như mật ong, dầu hào, dầu ăn, sữa tươi không đường, sữa đặc, nước tương, nước mắm, đường, muối, tiêu xay,… để chế biến món ăn thật thơm ngon. Để làm cơm tấm sườn trứng ngon ngay tại nhà, bạn hãy đập mỏng thịt sườn rồi ướp với đường, nước tương, nước mắm, dầu hào, mật ong, muối, tiêu xay, sữa đặc, sữa tươi không đường, hành băm,… rồi đem đi nướng cho chín vàng và thơm. Sau đó bạn chiên trứng gà, làm tóp mỡ, mỡ hành với nước mắm, thêm các món ăn kèm này vào dĩa cơm tấm nóng hổi và thưởng thức ngay món ăn thôi.
Cách ướp sườn cốt lết cơm tấm vị chuẩn
Một trong những bước quan trọng để tạo nên một món cơm tấm ngon đó là cách ướp sườn cốt lết sao cho đậm đà chuẩn vị. Với cách ướp thịt nướng cơm tấm ngon như ngoài hàng sau đây, bạn phải chuẩn bị các loại gia vị như mật ong, hành, tỏi băm, chanh hoặc giấm, ngũ vị hương, dầu hào, nước tương hoặc nước mắm và thêm chút dầu ăn cho thịt sườn dậy vị hơn.
Để sườn thêm mềm và thấm gia vị hơn, bạn có thể chọn 1 trong 2 cách ướp sau:
- Coca cola hoặc pepsi để thịt sườn thêm mềm;
- Sữa đặc và nước cam sẽ giúp thịt mềm và thấm gia vị hơn, nếu sử dụng cách này thì hãy giảm lượng mật ong đi nhé.
- Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý hãy thấm khô thịt trước khi ướp để gia vị thấm vào dễ dàng hơn, ướp thịt từ 2 – 3 tiếng hoặc để qua đêm trong tủ lạnh cho vị càng thêm đậm đà. Khi nướng hãy phết dầu mỡ lên 2 mặt của miếng sườn để thịt không bị khô, đồng thời thường xuyên phết nước ướp lên miếng sườn và tránh lật, trở sườn quá nhiều nhé.
Cách làm nước mắm đậm vị
Nguyên liệu
- Nước mắm
- Đường
- Giấm
- Dầu ăn
- Ớt
- Tỏi băm
Thực hiện
- Bước 1 Bạn đun sôi và khuấy đều hỗn hợp 3 muỗng nước mắm, 3 muỗng đường, 3 muỗng nước ấm và 1 muỗng giấm. Để hỗn hợp nguội, sau đó thêm 1/2 muỗng mắm và 1/2 muỗng giấm vào, nêm vừa miệng.
- Bước 2 Bạn rửa sạch ớt, sau đó đổ nước lạnh vừa đủ qua mặt ớt và đun sôi đến khi ớt mềm rồi dùng thìa dầm ớt nhỏ ra.
- Bước 3 Đun nóng 1 muỗng dầu ăn, cho 1 muỗng tỏi vào phi thơm, sau đó cho phần ớt đã dầm nhuyễn vào. Thêm vào 1 muỗng đường, 1 muỗng giấm, đun sôi khoảng 5 phút, tắt bếp để nguội rồi cho hỗn hợp ớt vào cùng phần nước mắm đã nấu.
Nước mắm khi làm xong sẽ có màu sắc bắt mắt, hương vị đậm đà, mặn mặn cay cay ăn với cơm tấm rất ngon.
Nguồn: Tổng hợp Wikipedia, Bách hoá xanh