Phở chua Lạng Sơn: Đặc sản dân dã, ăn là ghiền
Phở chua Lạng Sơn là đặc sản nổi tiếng, có tên gọi lạ tai, hình thức lạ mắt và cách chế biến cầu kỳ. Trong số các đặc điểm nổi tiếng của Lạng Sơn, không chỉ có phố Kỳ Lừa, chùa Tam Thanh… mà còn có nền văn hóa ẩm thực vô cùng đa dạng, nổi bật là món phở chua Lạng Sơn, một món ăn có thể khiến cả những thực khách khó tính nhất cũng phải xiêu lòng.
Món phở chua Lạng Sơn ngon nức tiếng. Ảnh: Sưu tầm
Về nguồn gốc, chẳng ai biết chính xác món phở chua Lạng Sơn có từ khi nào. Một số người bản xứ thì cho rằng món ăn này có nguồn gốc từ Trung Quốc, cũng có người lại bảo phở chua Lạng Sơn là sự biến tấu của món phở Hà Nội.
Trải qua thời gian, dưới bàn tay chế biến của người dân xứ Lạng, phở chua đã trở nên nổi tiếng và khiến biết bao thực khách đã từng du lịch Lạng Sơn phải say đắm, ăn thử một lần là nhớ mãi khôn nguôi.
Mặc dù hiện nay, mọi người có thể ăn món phở chua ở trên khắp mọi miền đất nước, nhưng sẽ chẳng nơi nào có được hương vị thơm ngon, khác biệt như ở Lạng Sơn. Phở chua Lạng Sơn trở thành đặc sản nổi tiếng không chỉ bởi cái tên nghe lạ tai, hình thức lạ mắt mà còn ở chính cách chế biến cầu kỳ và sự kỹ càng trong chuẩn bị nguyên liệu.
Để làm ra được món phở chua Lạng Sơn trứ danh, người nấu cần phải chuẩn bị rất nhiều các loại nguyên liệu khác nhau như: thịt gà xé, khoai môn, khoai lang, bánh phở, xá xíu, hành phi, xúng xàng, lạp sườn, gan lợn… để có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt. Điểm đặc biệt là ở phần nước sốt với thành phần quan trọng nhất là giấm đường, hòa quyện cùng hành tỏi phi thơm, mắm, gừng. Công thức làm ra giấm đường thì chỉ riêng vùng đất Lạng Sơn mới có.
Phở chua Lạng Sơn có nguyên liệu đơn giản nhưng được kết hợp tinh tế, tạo độ ngon thuyêt phục được cả những người khó tính nhất. Ảnh: Sưu tầm
Cách chế biến Phở chua Lạng Sơn
- Bước 1: Sơ chế
– Thịt rửa với nước muối loãng cho bớt mùi hôi, sau đó rửa lại với nước sạch và cắt ra làm đôi, ướp 1 muỗng muối, trộn đều.
– Luộc thịt với nước sôi có cho thêm 1 ít muối, giúp thịt có vị đậm đà hơn trong khoảng 7 – 10 phút. Sau đó vớt ra cho vào dĩa riêng.
– Khoai lang gọt sạch vỏ, rửa sạch. Bào thành từng sợi nhỏ.
– Hành, tỏi và ớt rửa sạch, sau đó đem băm nhỏ.
Lưu ý:
Tuỳ vào kích cỡ miếng thịt cắt, có thể luộc nhanh hay lâu hơn, cũng không nên cắt thịt quá nhỏ, việc này khiến thịt bị khô, cứng không còn mềm khi luộc.
Nên mua khoai lang trước khi thực hiện món ăn khoảng 3 – 5 ngày, để ở nơi khô thoáng hay trên nền đất ẩm việc này giúp nhựa khô lại kết hợp với tinh bột sẵn có khiến khoai ngọt hơn hẳn. Khoai lang nên gọt xong củ nào cho vào thau nước pha muối loãng để ngâm, giúp khoai không bị thâm đen giữ được màu vàng đẹp.
- Bước 2: Làm thịt xá xíu
– Cho vào thịt 1 thìa cà phê bột xá xíu, 1 thìa dầu hào, 1 thìa nước tương, 1 thìa nước mắm trộn đều và ướp thịt trong khoảng 20 – 30 phút.
– Sau đó cho thịt vào áp chảo cho thịt ngấm đều gia vị với lửa vừa, thấy thịt có mùi thơm, bên ngoài hơi cháy xém là được.
Mẹo: Làm thịt xá xíu có rất nhiều cách, có thể không cần luộc thịt trước đó. Sau khi ướp thịt, cho thịt vào chảo đảo đều cho thịt săn lại, thêm vào đó ít nước, đậy nắp chờ cho đến khi nước sệt lại thịt chín là được.
- Bước 3: Trụng bánh phở
Cho bánh phở vào nồi nước sôi chần qua trong 30 giây thì vớt ra. Xả lại dưới dòng nước lạnh để bánh phở còn dai ngon không bị nát.
Ngâm phở khô trước khi trụng, trong khi trụng không đậy nắp nồi và xả ngay lại với nước lạnh giúp sợi phở dai ngon mà không bị bở. Ảnh: Sưu tầm
Mẹo trụng bánh phở ngon
– Phở khô mua về, nên ngâm trong nước lọc khoảng 60 phút, nếu là nước ấm thì 30 phút, chờ đến khi bánh phở chuyển từ trắng đục sang trắng trong.
– Cho vào nồi nước sôi luộc khoảng 30 – 60 giây, không được đậy nắp nồi. Xả lại với nước lạnh, vớt ra đợi ráo sẽ giúp bánh phở dai ngon không bị bở.
- Bước 4: Làm nước sốt phở chua
Thêm vào chảo 1 chén nước cho 2 thìa đường, 1 thìa dầu hào, 1 thìa nước tương, 1 thìa nước nắm, 2 thìa giấm. Cho vào chén 1 thìa bột năng trộn thêm ít nước đánh tan. Lấy ra 3 thìa cho vào chảo nước sốt trước đó.
Cho vào 1/2 thìa bột xá xíu, thêm 1 thìa dầu hào. Cho ra chén chỉ cần thêm ít ớt, tỏi băm là xong.
Mẹo:
– Nước sốt là bước vô cùng quan trọng, để món ăn chuẩn vị, phải thêm bột xá xíu.
– Có thể thêm hay không thêm bột năng pha nước tuỳ sở thích, bột năng có tác dụng giúp nước sốt có độ sền sệt hơn. Nếu có thì pha bột năng theo tỉ lệ 1 muỗng bột năng : 2 muỗng nước để món ăn thơm ngon hơn.
- Bước 5: Chiên khoai lang
Lấy khoai lang bào nhỏ cho từ từ vào chảo dầu chiên với lửa nhỏ cho đến khi khoai lang vàng đều là được.
Mẹo
Lúc đầu thả khoai vào nên trải đều ra, chờ cho khoai hơi vàng, định hình rồi mới dùng đũa đảo đều tránh làm khoai bị nát. Chỉ chờ khi dầu thật sự sôi mới cho khoai lang vào nếu không khoai sẽ không được giòn mà bị bở.
Ảnh: Cooky TV
- Bước 6: Hoàn thành
– Thịt xá xíu đem cắt thành từng lát từ 1 – 2cm.
– Cho bánh phở vào tô rắc lên ít hành phi, thêm khoai chiên, rau sống, đậu phộng rang, thịt cắt lát lên trên và chan đều nước sốt là có thể dùng rồi.
Mẹo: Bạn nên cắt thịt theo đúng chiều dọc thớ, khi ăn sẽ tạo cảm giác thịt mềm không bị sơ khô.
Món phở chua mới lạ với hương vị đậm đà của nước sốt quyện cùng từng lát thịt áp chảo thơm phức, mềm mềm, vị giòn giòn của khoai lang chiên và bùi bùi của đậu phộng rang khiến ăn hoài không ngán!
Nguồn: Vinpearl và Điện máy xanh