Cháo lươn Nghệ An – Món ăn dân dã mà bổ dưỡng

Cháo lươn Nghệ An – Món ăn dân dã mà bổ dưỡng

Cháo lươn là một trong những món ăn đặc sản của xứ Nghệ được yêu thích trên khắp cả nước. Món cháo có vị thơm, cay nồng đặc trưng cùng thịt lươn vàng ươm thấm gia vị đậm đà. Thưởng thức món cháo lươn vào ngày mưa thì còn gì tuyệt bằng.

Ảnh: Sưu tầm

Không chỉ mang hương vị thơm ngon, cháo lươn nấu nghệ còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Bởi thịt lươn cung cấp nhiều loại khoáng chất như: Canxi, Photpho, Sắt, Kẽm,… cùng với các dưỡng chất có trong tinh bột nghệ nên rất tốt cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừa các bệnh về hô hấp, tiểu đường, đau nhức xương khớp,… Đặc biệt, cháo lươn nấu nghệ như là một bài thuốc ngăn ngừa ung thư, tăng sức đề kháng, chống viêm, kháng khuẩn,.. giúp cơ thể cải thiện hệ miễn dịch, phòng ngừa bệnh hiệu quả.

So với hến, tôm, cua đồng, lươn là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nhất. Thịt lươn luôn được lựa chọn làm thức ăn bồi bổ cho người bệnh, người già và trẻ nhỏ. Đây còn là bài thuốc còn chữa bệnh tiêu chảy, phong thấp, trĩ và suy nhược cơ thể. Tuy nhiên, thịt lươn mang tính hàn, vì vậy phụ nữ đang mang thai không nên ăn.

Cách nấu cháo lươn Nghệ An

Cách nấu cháo lươn Nghệ An tương đối đơn giản, chỉ cần bạn chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu và thực hiện theo các bước dưới đây:

  • Nguyên liệu

– 500g lươn đồng

– 100g gạo nếp

– 100g gạo tẻ

– 25g hành tăm

– 2 củ nghệ tươi

– 1 quả ớt sừng

– 2 củ hành tím

– Rau răm, hành lá

– Gia vị: hạt nêm, bột ngọt, muối, dầu ăn, ớt bột, dầu màu điều

  • Bước 1: Sơ chế lươn và các nguyên liệu khác

– Cho lươn vào thau rồi dội nước sôi vào để sạch nhớt. Cắt bỏ đầu và làm sạch ruột rồi dùng muối hạt, nước cốt chanh hoặc giấm chà xát lên thân lươn cho sạch nhớt hoàn toàn, sau đó rửa lại với nước nhiều lần.

– Cho lươn vào nồi, bắc lên bếp luộc với vài lát gừng hoặc nghệ. Lươn chín vớt ra để nguội rồi gỡ lấy phần thịt. Phần xương cho lại vào nồi, thêm một lượng nước vừa đủ và 1/2 muỗng cà phê muối, nấu trong khoảng 15 – 20 phút để lấy nước dùng nấu cháo, sau đó vớt xương bỏ đi.

– Gạo nếp, gạo tẻ vo sạch, để ráo.

– Hành tăm giã dập. Hành tím bóc vỏ, băm nhuyễn.

– Nghệ tươi gọt vỏ, rửa sạch, giã nhỏ vắt lấy nước cốt.

– Ớt sừng bỏ cuống, rửa sạch, cắt lát. Trộn ớt với 4 muỗng nước mắm ngon để ăn kèm cháo.

– Hành lá, rau răm nhặt rồi rửa sạch, cắt nhỏ, phần đầu hành để nguyên khúc dài.

  • Bước 2: Nấu cháo

Gạo rang vàng thơm rồi cho vào nồi nước xương lươn cùng 1 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, 3 muỗng cà phê hạt nêm. Nấu với lửa nhỏ để cháo được nhừ. Khi nấu thỉnh thoảng khuấy đều để cháo không bị cháy khét ở phần đáy nồi và vớt bọt nổi trên mặt.

  • Bước 3: Xào lươn

Tiếp đó, bắc chảo lên bếp, cho vào 1 muỗng canh dầu ăn. Khi dầu nóng cho hành tím và hành tăm vào phi thơm rồi cho thịt lươn vào xào. Nêm gia vị gồm 2 muỗng nước cốt nghệ, 1 muỗng cà phê dầu màu điều, 2 muỗng cà phê hạt nêm, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, 1/2 muỗng cà phê ớt bột. Đảo nhẹ tay khoảng 5 phút để lươn chín và thấm đều gia vị. Đây là cách nấu cháo lươn được đậm đà, hấp dẫn.

  • Bước 4: Thành phẩm và thưởng thức

Múc cháo ra tô, cho lươn xào lên trên rồi rưới thêm ít nước xốt vào. Cuối cùng, rắc hành lá, rau răm cắt nhỏ và một chút tiêu xay cho thơm, vậy là món cháo lươn hấp dẫn đã hoàn thành. Thưởng thức món cháo ngay khi còn nóng để cảm nhận trọn vẹn hương vị.

Một bát cháo lươn được nấu đúng vị không những là món ăn hấp dẫn mà còn rất bổ chữa suy nhược cơ thể. Ảnh: Sưu tầm

Mẹo:

– Chọn mua lươn đồng tại những cửa hàng thực phẩm uy tín, hệ thống siêu thị lớn vì loại lươn này thịt chắc, thơm ngon hơn so với lươn nuôi. Đặc điểm nhận dạng của lươn đồng là phần lưng thường có màu hơi đen và có bụng vàng.

Chọn lươn còn sống để đảm bảo thịt tươi, giàu dinh dưỡng. Ưu tiên những con có kích thước vừa phải sẽ giúp bạn thuận tiện hơn trong việc sơ chế lại vừa đảm bảo thịt dai, ngon.

– Rang gạo trước khi nấu để món cháo thơm, không bị nát và nhanh chín hơn.

– Dùng nồi cơm điện để tiết kiệm thời gian nấu cháo.

Lưu ý:

– Thịt lươn có tính hàn nên sau khi ăn, bạn không nên dùng các thực phẩm có tính hàn như chuối tiêu, tôm, cua biển, dưa hấu,…

– Cũng như đa số các loại tôm, cua, ốc, trong lươn có rất nhiều ký sinh trùng, sống dai và chịu được nhiệt độ cao. Vì vậy, nếu chỉ xào nấu đơn thuần trên lửa thì những ấu trùng này vẫn chưa chết và có thể đi vào đường ruột hoặc các bộ phận khác trong cơ thể qua đường tiêu hóa. Để đảm bảo, bạn nên chế biến bằng cách nấu thật chín, ninh nhừ để an toàn cho sức khỏe

– Trong lươn có hợp chất Histidine tốt cho cơ thể, nhưng nếu mua phải lươn chết, bị ươn thì hợp chất này bị chuyển đổi thành chất độc Histamine, gây ngộ độc rất cao đặc biệt là ở những người đang bị bệnh hoặc trẻ em.

– Bệnh nhân gout không nên ăn lươn để tránh tình trạng bệnh nặng hơn vì lươn là thực phẩm giàu đạm.

Nguồn: https://daotaobeptruong.vn/chao-luon-nghe-an
https://www.bachhoaxanh.com/kinh-nghiem-hay/cach-nau-chao-luon-ngon-dung-chuan-xu-nghe-966560 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *